Pages

Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Tây Nguyên - một hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Đông - Nam Á

Tay Nguyen mot hinh anh thu nho cua van hoa Dong Nam A
Văn hóa Tây Nguyên với sử thi, với cồng chiêng là một hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Đông -Nam Á. Đó là nhận định của GS-TS Tô Ngọc Thanh - người có nhiều năm tìm hiểu và nghiên cứu về văn hóa dân gian Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Tây Nguyên.
* Ông và các cộng sự của mình đã tiếp xúc với nền văn hóa dân gian Tây Nguyên như thế nào, thưa giáo sư?
Tay Nguyen mot hinh anh thu nho cua van hoa Dong Nam A
GS-TS Tô Ngọc Thanh
- GS-TS Tô Ngọc Thanh: Mãi đến cuối năm 1979 tôi mới thực sự tiếp xúc với nền văn hóa dân gian các tộc người Tây Nguyên. Trước đó, trước Cách mạng Tháng Tám hoặc trong thời kỳ 1954-1975 đã có khá nhiều tư liệu, công trình nghiên cứu về Tây Nguyên.
Tuy nhiên, phần lớn các công trình, tư liệu là tập hợp các sưu tầm văn học và âm nhạc dân gian, trừ hai cuốn Mọi Kon Tum của Nguyễn Kinh Chi-Nguyễn Đổng Chi và Chúng tôi ăn rừng của G.Condominas.
Tiếp xúc với văn hóa Tây Nguyên, tôi và các cộng sự đã tiếp cận theo phương pháp đa ngành theo đặc trưng tổng thể nguyên hợp của đối tượng nghiên cứu. Với sự trợ giúp của nhân dân, từ đợt công tác đầu tiên ở Gia Lai-Kon Tum, chúng tôi đã thực hiện 2.000 trang ghi chép, vài trăm bức ảnh ghi lại các hoạt động, lễ hội, tập tục của người bản xứ.
Chúng tôi rất hứng khởi với công việc này và cùng với các nhóm nghiên cứu khác, quyết tâm đưa những viên ngọc sáng trong kho tàng văn hóa dân gian Tây Nguyên ra khỏi lớp bụi thời gian và quên lãng.
* Theo ông, VN nên tiếp cận văn hóa theo con đường nào là tốt nhất? Hơn nữa, nên tìm hiểu nền văn hóa từ những giác độ nào?
- Đã có nhiều định nghĩa về văn hóa, bởi những luận cứ và xuất phát điểm nghiên cứu khác nhau. Tôi đồng ý với quan điểm: Văn hóa là thiên nhiên thứ hai do con người sáng tạo ra. Trong nền văn hóa có hai thành phần chính: văn hóa bác học và văn hóa dân gian (folklore).
Ở VN, chỉ có người Kinh là có văn hóa bác học và văn hóa bác học của người Kinh chịu ảnh hưởng văn hóa dân gian (VHDG). Việt Nam có 54 dân tộc thì phần lớn chỉ có VHDG mà không có văn hóa bác học. Như vậy, văn hóa dân tộc VN thực chất nằm ở VHDG. Muốn tìm hiểu về con người và dân tộc VN phải bắt đầu từ đây. Người VN không hiểu VHDG có nghĩa là không hiểu chính mình...
Vùng Đông - Nam Á thuở xa xưa không phân chia ranh giới. Trên mảnh đất đó, VN là địa bàn cư trú của các tộc người nói tiếng Môn -Khmer. Tiếp đó, cách đây khoảng 2.000 - 2.500 năm, các tộc người nói tiếng Ma-lay-ô từ biển tràn vào. Và VN trở thành nơi cư trú của nhiều tộc người nói hai ngữ hệ: Môn-Khmer và Ma-lay-ô...
Tây Nguyên là một phần máu thịt của VN. Vùng đất này trở thành địa bàn cư trú lâu đời của các tộc người nói hai ngữ hệ Môn - Khmer và Ma-lay-ô, những ngữ hệ thời cổ xưa của VN và Đông - Nam Á.
Người Tây Nguyên từ xa xưa đến nay cách biệt giữa núi rừng nên ít giao lưu, và vì vậy, còn lưu giữ khá đầy đủ những tàn tích văn hóa Việt Nam và Đông - Nam Á cổ. Nói cách khác, văn hóa Tây Nguyên là hình ảnh thu nhỏ của văn hóa Việt Nam và văn hóa Đông - Nam Á...
Từ những tư liệu có được và những chuyến điền dã, tôi mạnh dạn nghĩ đến một giả thuyết khoa học: Đông - Nam Á cổ đại là một vùng văn hóa sử thi, trong đó Tây Nguyên là nơi còn giữ được nhiều nhất những đặc trưng thể loại và còn tồn tại với mật độ cao những tác phẩm của loại hình này so với các nước Đông - Nam Á khác.
Nhà dân tộc học Phillipines, giáo sư Giô-dê Ma-ri-đa nhận định: "Có một nền văn hóa cồng chiêng (gongs culture) Đông - Nam Á cổ đại, trong đó Tây Nguyên và Trường Sơn là nơi còn giữ được những phẩm chất điển hình nhất của loại văn hóa này".
UÔNG THÁI BIỂU thực hiện
Việt Báo (Theo_TuoiTre)

Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Ðừng đánh mất “hồn’’ của nhà Rông


Tây Nguyên là mảnh đất tươi đẹp, nơi sinh sống của các dân tộc Ê đê, Zarai; Bahnar, Xê Ðăng, Giẻ Triêng, Brâu,… Ðây là một vùng đất mang đậm huyền thoại sử thi, trường ca và là cội nguồn của ngôi nhà Rông truyền thống – một không gian thiêng liêng, thể hiện sức mạnh cộng đồng và bản sắc văn hóa các dân tộc Tây Nguyên.
Biểu tượng của đại ngàn
Theo tài liệu Di sản văn hóa nhà Rông Tây Nguyên (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), theo tư duy truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên thì nhà Rông là một thành tố không thể thiếu trong đời sống cộng đồng. Nhà Rông bao quát mọi tinh hoa văn hóa sáng tạo của con người trong môi trường sinh thái tự nhiên, vừa hùng vĩ, vừa tiềm ẩn những yếu tố tâm linh, là biểu hiện của văn hóa rừng và sự kết nối cộng đồng người gắn với thiên nhiên.
Theo lưu truyền thì việc xây dựng nhà Rông phải tuân theo nghi thức trang trọng. Từ khi chuẩn bị làm nhà, già làng tụ tập tất cả những người tài giỏi nhất trong làng để họp bàn. Nơi dựng nhà Rông phải cao ráo, thoáng mát về mùa nắng, ấm áp về mùa mưa, nằm ở trung tâm của làng, đi từ các con đường về, từ xa phải nhìn thấy mái nhà Rông. Tất cả được xây dựng bằng đôi tay tài hoa, bằng cả trí tuệ và sức lực của cộng đồng.
Mái tôn, cầu thang sắt, cửa kính… đã khiến ngôi nhà Rông văn hóa ở làng Pring Der (xã Gào, TP Pleiku, Gia Lai) luôn ở trong tình trạng “im ỉm khóa”. Ảnh: Phương Uyên
Nhà Rông thường dài khoảng 10m, rộng hơn 4m, cao 15 – 16m, nhưng có những ngôi chỉ cao 7-8m… Tính đa dạng trong kiến trúc của mỗi dân tộc ở Tây Nguyên còn là ở kết cấu của ngôi nhà. Nhà Rông của người Tây Nguyên không dùng đến sắt thép. Các chỗ nối, chắp đều được chặt, đẽo cẩn thận rồi dùng mây, lạt tre để buộc. Tuy nhiên từng mối buộc mỗi dân tộc lại khác nhau.
Hai loại nhà Rông xuất hiện ở Tây Nguyên gồm nhà Rông trống (đực) và nhà Rông mái (cái). Nhà Rông trống có mái to, cao chót vót, được trang trí rất công phu. Nhà Rông mái nhỏ hơn, có mái thấp, hình thức bên ngoài và bên trong đơn giản hơn. Nổi bật trong trang trí nhà rông là hình ảnh thần mặt trời chói sáng. Nhà Rông càng to đẹp thì càng chứng tỏ buôn làng giàu có, mạnh mẽ.
Nét truyền thống đang dần mai một
Trước tình trạng phần lớn các nhà Rông do xây dựng đã lâu, bị hư hỏng, dột nát,… chính quyền các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc,… đã thực hiện các biện pháp bảo tồn, xây dựng lại nhà Rông để phục vụ nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của đồng bào. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhằm gìn giữ, bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc Tây Nguyên. Nguồn vốn để xây dựng nhà Rông được huy động bằng hình thức xã hội hóa, trong đó có một phần đóng góp của nhân dân. Tuy nhiên, rất nhiều nhà Rông đã không được “sống lại” theo đúng ý nghĩa truyền thống của nó, nguyên vật liệu từ gỗ, mái tranh,… được ‘hiện đại hóa’’… bằng bê tông, cốt thép, mái tôn,… khiến đồng bào “không ưng cái bụng”, không thích đến sinh hoạt ở nhà Rông mới; và nhiều nhà Rông ở trong tình trạng “cửa đóng then cài”, hư hỏng, xuống cấp trầm trọng.
Theo thống kê, đến nay trên địa bàn TP. Kon Tum có 57/61 làng đồng bào dân tộc thiểu số có Nhà Rông truyền thống, trong đó, 21/57 nhà Rông có mái lợp bằng tôn. Nhà Rông văn hóa xã Glar (Đắk Đoa – Gia Lai) được xây dựng kiên cố bằng gỗ từ năm 2001. Tuy nhiên, sau khi sử dụng một thời gian, nhà Rông này bị bỏ hoang từ đó đến nay, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Bề ngoài, hình hài nhà Rông vẫn còn nguyên vẹn, nhưng các trụ bằng gỗ hầu hết đã mục nát; sàn nhà, cầu thang lung lay, bên trong nhà Rông chứa đầy rác… Hay như các nhà rông ở xã Ayun (huyện Chư Sê), ở làng Stơr (huyện Kbang) hay nhà rông ở xã Gào (TP Pleiku), tỉnh Gia Lai… dù được xây dựng khá hoành tráng nhưng vẫn vắng bóng người,…
Lý giải cho điều này, nhiều địa phương và đơn vị xây dựng cho biết, để dựng được một ngôi nhà Rông theo đúng truyền thống phải mất nhiều kinh phí và thời gian, các nguyên vật liệu như gỗ, tranh tre,… cũng rất khó kiếm vì phải đi rất xa và rừng bây giờ đã bị “khai thác cạn kiệt rồi” còn đâu?!…
Làm sao giữ được “cái hồn” của nhà Rông đang là vấn đề xã hội quan tâm. Ảnh: Trà Khúc
Cần chung sức, đồng lòng
Việc bảo tồn, xây dựng nhà Rông văn hoá ở Tây Nguyên là một chủ trương rất đúng và cần được đẩy mạnh thực hiện. Ngoài bảo tồn, phát triển những ngôi nhà Rông truyền thống ngày càng thưa vắng, nó còn góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Tuy nhiên, trước thực trạng này, làm thế nào để  giữ được giá trị truyền thống, hồn cốt linh thiêng của di sản văn hóa đặc biệt này đã và đang là vấn đề xã hội quan tâm.
Thiết nghĩ các địa phương, nhất là các ngành chức năng cần có những định hướng, giải pháp cụ thể. Khi xây dựng nhà Rông cần có giải pháp huy động đủ nguồn vốn, tiếp thu ý kiến của các già làng, người có uy tín và nhân dân địa phương để có được sự đồng thuận, nhất trí cao. Bên cạnh đó chính quyền địa phương, nhất là những người có uy tín cũng cần tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào về trách nhiệm tham gia, ý thức gìn giữ nhà Rông, khơi dậy tinh thần lao động, khả năng sáng tạo tuyệt vời của đồng bào để xây dựng những ngôi nhà Rông vững chắc, mang đúng sắc thái truyền thống, đúng nghĩa là “trái tim” của buôn làng.
Theo Sức khỏe và Đời sống

Nhà dài Ê Đê


Nhà dài không chỉ là biểu tượng vật chất của thể chế đại gia đình mẫu hệ mà còn là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa tinh thần của người Ê Đê. Việc bảo tồn nhà dài tại các buôn của người Ê Đê là một nhu cầu thiết yếu như gìn giữ một nét văn hóa, một di sản quý trên vùng đất Tây Nguyên.
Trên dải núi Trường Sơn hùng vĩ là nơi có những ngọn núi lửa Tu M’rông, Chư M’gar tuôn trào làm nên miền đất đỏ bazan tươi đẹp, nơi có cả dòng sông Sêrêpôk, Sêsan chảy miệt mài và nơi có những con người Tây Nguyên hồn nhiên, khoáng đạt như núi rừng, sông suối Tây Nguyên. Nơi đây, góp mặt nhiều dân tộc khác nhau như Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, M’nông, Brâu, Mạ,… họ mang trong mình những bản sắc văn hoá riêng biệt của người Tây Nguyên mà không dân tộc nào ở miền núi phía Bắc hay sông nước miệt vườn Nam Bộ có được. Mỗi dân tộc lại có những sự khác biệt trong đời sống sinh hoạt tinh thần cũng như vật chất như thờ cúng, tang ma, cưới xin, lễ hội và trang phục, nhà cửa. Ngôi nhà dài của người Ê Đê là một điển hình.
Ngôi nhà dài của người Ê Đê ở Đắk Lắk
Ngôi nhà dài của người Ê Đê ở Đắk Lắk.
Biểu tượng của chế độ mẫu hệ
Vùng đất bản địa của người Ê Đê sinh sống là Đắk Lắk. Khoảng 50 ngôi nhà dài tạo thành một buôn trải dọc theo dòng suối Ea Tam dưới sự cai quản của tù trưởng Ama Thuột. Những năm đầu thế kỷ XX buôn này khá lớn mạnh, trở thành trung tâm của vùng đất Tây Nguyên rộng lớn và tên gọi Buôn Ma Thuột cũng bắt đầu từ đấy.
Người Ê Đê có tập quán sống chung ba hoặc bốn thế hệ trong một ngôi nhà lớn. Họ rất ít khi làm nhà mới thay cho nhà cũ, nếu có thêm người thì nối phần sau nhà dài thêm. Cũng bởi lẽ đó nên trong dân gian còn có tên gọi là nhà dài. Nhà dài chính là sự phản ánh tiêu biểu cho chế độ mẫu hệ của người Ê Đê. Nó còn là biểu tượng cho sự gắn bó giữa con người với cộng đồng, giữa con người với thiên nhiên. Trước đây, tất cả mọi sinh hoạt của đại gia đình đều diễn ra trên mặt nhà sàn. Đây là nơi sinh sống của nhiều thế hệ người và của nhiều gia đình có cùng dòng máu, có nhà dài là nơi sinh sống của hơn một chục gia đình ghép lại, làm chủ gia đình là người phụ nữ thuộc nhóm cao tuổi nhất.
Kiến trúc
Nhà dài chính là nhà sàn được dựng lên từ những cột gỗ to, khác với nhà sàn các đồng bào dân tộc phía Bắc, sàn của nhà dài cách mặt đất chỉ trên 1 mét, phía dưới đơn thuần để thoáng mát chứ không làm chỗ chăn nuôi. Nhà đa số có 2 mái, ít thấy nhà 4 mái. Vật liệu để dựng nên một ngôi nhà dài phải là một thứ nguyên vật liệu giản đơn dễ tìm kiếm, nên nhà dài Ê Đê ở được làm bằng các vật liệu thảo mộc kiếm trong rừng, chủ yếu là gỗ, tre nứa các loại, dây buộc, cỏ gianh (hoặc một số loại lá rừng khác để lợp nhà).
Nét đặc sắc của ngôi nhà dài Ê Đê kiểu cổ truyền là tính mẫu hệ nổi lên rất rõ. Ngay từ chiếc cầu thang ván khi bước lên sàn là thấy ngay đôi bầu sữa và vành trăng khuyết là những biểu tượng sống động của nữ tính, của chế độ mẫu hệ trong đời sống văn hóa của người Ê Đê. Trang trí nghệ thuật ở ngôi nhà dài Ê Đê là những hình khắc gỗ trên thân cột, quá giang, cầu thang ván, phản ánh tính chất mẫu hệ của xã hội thường. Nhiều hình ảnh nồi bung được tạc trên đầu các cột, đây là biểu trưng gắn với vị thế của người phụ nữ. Được bắt nguồn từ những công việc hàng ngày trong lao động sản xuất, trong săn bắt bên ngoài, qua việc tiếp xúc với môi trường thiên nhiên, hay qua tình cảm, tâm niệm của mình, người Ê Đê đã đưa vào trong không gian sống của mình những hình ảnh quen thuộc có thể thấy trên xà ngang của ngôi nhà có hình những con voi đang bước những bước nặng nề, những con thằn lằn, hay những chú rùa. Rồi những hình tượng cặp sừng, bầu sữa của người phụ nữ, hay trăng khuyết tất cả đều là biểu tượng đặc sắc và rõ nét của sinh hoạt văn hóa cư dân mẫu hệ.
Không gian sống
Nhà dài bao giờ cũng được chia làm ba phần: sân sàn, ngăn khách và ngăn ở. Sân sàn trước (dring gah) có một hoặc hai cầu thang, thường rộng rãi, là nơi phơi phóng, nơi giã gạo mỗi sáng, nơi ngồi chơi hóng mát mỗi chiều. Sân sàn sau (dring ôk) chỉ có một cầu thang và dành riêng cho người trong gia đình nhỏ hơn, thường là nơi rửa ráy, nấu ăn. Từ sân sàn trước sẽ bước vào khoảng không gian quan trọng nhất đó là nơi tiếp khách và sinh hoạt chung của cả gia đình, cũng là nơi có thể chiêm ngưỡng những đồ quý giá và linh thiêng của người Ê Đê như trống, chiêng, ché rượu, các bộ sừng trâu, hươu nai… Nối tiếp ngăn khách là ngăn ở (ôk) được chia thành từng ngăn nhỏ cho các tiểu gia đình dọc lối đi suốt tới sân sàn sau. Điểm nổi bật mà ít ngôi nhà nào của các dân tộc khác có được chính bởi mọi sinh hoạt lễ nghi đều được diễn ra ở chính phòng khách này từ cuới xin, ma chay, cúng lễ, những cuộc uống rượu cần…
Cũng như ngôi nhà, mọi vật dụng cũng đều được làm bằng những nguyên vật liệu sẵn có trong thiên nhiên, những chiếc ghế dài được làm ra từ nguyên một cây gỗ trong rừng, chiếc trống đánh trong ngày hội được làm từ da con voi già nhất. Mọi thứ từ vật bé nhất, đến lớn nhất đều được người Ê Đê làm ra từ mọi nguyên liệu sẵn có trên mảnh đất này. Chúng đã giúp họ từ hàng trăm năm nay sống và sinh tồn. Người Ê Đê yêu ngôi nhà, yêu mảnh đất xứ sở Tây Nguyên.
Ngôi nhà dài của người Ê Đê chính là biểu tượng cho sự gắn bó của con người với cộng đồng, với sông núi, với mảnh đất bazan đầy nắng và gió. Trải qua nhiều biến động về chính trị, kinh tế xã hội cũng như sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ giữa các cộng đồng dân cư nên những thế hệ mới của người Ê Đê đã thay đổi cách sống theo xu hướng tách khỏi gia đình lớn và nhạt nhòa dần thể chế mẫu hệ. Vì vậy, số lượng nhà dài không còn được phát triển. Tuy nhiên việc bảo tồn một số nhà dài tại các buôn của người Ê Đê là một nhu cầu thiết yếu như gìn giữ một nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, một di sản quý giá trên vùng cao nguyên lộng gió này.
 - Theo thống kê mới nhất của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk, tính đến cuối năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 2.608 ngôi nhà dài truyền thống, chiếm 30% tổng số nhà của người Ê Đê.  - Trước đây, 100% các buôn làng Ê Đê đều có nhà dài với 50 – 60 ngôi nhà dài trong một buôn. Tỉnh Đắk Lắk có khoảng 600 buôn làng, thì con số thống kê mới nhất ở trên cho thấy sự sụt giảm báo động ngôi nhà dài truyền thống người Ê Đê.
 - Ngôi nhà dài truyền thống của người Ê Đê cũng đang thu hẹp, không gian đánh chiêng của người Ê Đê cũng khó lòng lưu giữ.
 - Tỉnh Đắk Lắk đã chọn một số buôn làng điển hình để bảo tồn nhà dài nhằm mục đích phát triển du lịch như: buôn Akô Dhông (TP. Buôn Ma Thuột); buôn M’liêng, buôn Jul (huyện Lắk), buôn Niêng (huyệnBuôn Đôn); buôn H’Đinh (huyện Cư M’gar).
Theo Làng Việt online

Truyền dạy tuổi trẻ đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng và hát dân ca truyền thống


Huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) vừa tiến hành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. 
Ảnh minh họa.
Theo đó, ngoài việc thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, đưa đội thông tin lưu động, chiếu bóng, biểu diễn văn nghệ phục vụ nhân dân ở các thôn, làng, vùng sâu vùng xa, đã mở các lớp dạy cồng chiêng, dạy chỉnh chiêng, dạy hát dân ca cho gần 600 học viên là thanh niên Xê Đăng. Bảo tồn và lưu giữ 82 bộ cồng chiêng; trên 12 loại nhạc cụ truyền thống (như Đinh Tuk, T’Rưng, Klông Pút, Ting Ning…); thường xuyên duy trì 12 lễ hội truyền thống; duy trì hoạt động thường xuyên của 50 nghệ nhân chỉnh chiêng…
Đặc biệt, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội được người dân thực hiện khá tốt. Đã bỏ hẳn phong tục “chị chết, anh rể lấy em gái của vợ”; “chồng chết thì vợ (chồng), con cõng xác người chết ra mồ chôn, không bỏ vào hòm khiêng”; 1 lễ hội trước đây phải giết từ 5-7 con trâu, ăn trong 5-7 ngày, nay chỉ giết 1-2 con trâu, thời gian lễ hội chỉ còn 01-02 ngày…
Những thay đổi nếp sống theo hướng tích cực của đồng bào dân tộc nơi đây đã tiết kiệm được nhiều thời gian và tiền của, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Theo Báo Gia Lai điện tử

Lễ hội văn hóa của các dân tộc thiểu số ở Đắk Nông


Ảnh minh họa. (Nguồn: Minh Quyết/TTXVN)
Trong ba ngày từ 17 đến 20/12, tại thị xã Gia Nghĩa đã diễn ra Lễ hội văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn Đắk Nông.
Lễ hội nhằm khôi phục, dựng lại, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc trên địa bàn. Thông qua lễ hội, thông điệp mang đến cho các dân tộc là các giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tinh hoa phải được giữ gìn, văn hóa lạc hậu bị đẩy lùi.
Lễ hội đã qui tụ hàng trăm nghệ nhân thuộc nhiều loại hình văn hóa, biểu diễn những giá trị tinh hoa của dân tộc mình như đánh cồng chiêng, diễn tấu cồng chiêng, thổi kèn, hát gian dân ca, dân vũ, trang phục truyền thống… Phục dựng các tập tục, lễ hội như cúng lúa mới, mừng sức khỏe, bắn cung. Đặc biệt các nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan lát các vật dụng dùng trong sinh hoạt gia đình như khăn, áo, gùi, rổ, nia…được tái hiện.
Theo già làng K’Mang, thị xã Gia Nghĩa: “Lễ hội văn hóa các dân tộc là một cơ hội tốt để chúng ta khôi phục, dựng lại các giá trị văn hóa xa xưa, các giá trị đời sống tinh thần của bà con từ bao đời nhằm tránh mai một, biến mất. Đây là cơ hội giáo dục cho các thế hệ trẻ nhận biết phải gìn giữ, phát huy nét văn hóa truyền thống riêng của dân tộc mình, hòa nhập nhưng không hòa tan…
Theo Vietnam+

Gia Lai: Đặc sắc lễ Lih ở Phú Thiện


Người Jrai ở huyện Phú Thiện (Gia Lai) có rất nhiều lễ cúng như: lễ bỏ mả, lễ cầu mưa, lễ cúng cơm mới, lễ Lih… trong đó lễ Lih hay còn được gọi là Lễ đập bò, Lễ tạ ơn, Lễ cầu sức khỏe là một trong những lễ cúng đặc sắc nhất, mang đậm bản sắc riêng của người dân nơi đây. Tôi đã may mắn tham gia lễ Lih tại nhà của anh Nay Kông, làng Kláh, thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện.
lelih
Lễ Lih ở huyện Phú Thiện vùng đất đã từng được các vị Pơtao Apui (Vua lửa) chọn đóng đô và có truyền thuyết về thanh gươm thần có thể gọi mưa trong lễ cầu mưa. Gia Lai đang vào mùa khô, mùi đất hòa quyện mùi cỏ khô tạo thành một vị đặc trưng xộc vào cánh mũi, khiến cho người ta cảm giác lâng lâng, khó tả.
Hai bên đường những bông hoa dã quì vàng rực rung rinh trong gió như vẫy chào người qua. Và cứ thế, chúng tôi đi….
Sáng nay, nhà Nay Kông không ai lên rẫy, họ ở nhà đang chuẩn bị đồ lễ và chờ người anh em thân mến-Nay Kỳ Hiệp đến nhà để làm lễ cúng tạ ơn, cúng sức khỏe cho ông. Gặp nhau với những cái bắt tay xiết chặt, những cái ôm nồng ấm, chủ nhà hồ hởi mời lên nhà sàn. Ông Nay Kông cho biết: “Lih là một lễ cúng có từ lâu đời của người dân nơi đây. Lễ Lih được tổ chức để tạ ơn Giàng, trời đất đã cho họ một mùa màng bội thu, hay tạ ơn công lao của cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng, hoặc những người có ân nghĩa với gia đình. Lễ Lih cũng được tổ chức để cầu sức khỏe, may mắn cho một hoặc những người thân trong gia đình, buôn làng tránh khỏi bệnh tật, tai ương…
Trong lễ này, gia đình tổ chức lễ sẽ làm thịt một con gà để cúng Yàng, thần Lửa Pơtao; một con heo để cúng cho người được tạ ơn, được cầu sức khỏe, một con bò để mời họ hàng cùng đến ăn uống, sau đó chia thịt cho mỗi người đến dự lễ mang về. Tùy theo kinh tế của gia đình mà đập heo, bò to hoặc nhỏ, riêng gà cúng thì phải là loại gà nhỏ. Khác với các lễ khác như bỏ mả, cầu mưa… cả làng cùng góp của để làm thì lễ Lih chỉ làm theo từng hộ gia đình”.
Nhiều thầy cúng Kros Gút tiến đến đứng cạnh hai con vật và nói bằng tiếng Jrai ông Nay Kỳ Hiệp giải thích: “trước khi giết thịt con vật, thầy cúng nói cho con vật biết, hôm nay Nay Kông làm lễ Lih nên phải giết thịt chúng để cúng Yang (trời) và sau khi chết, chúng đừng oán trách chủ nhà mà hãy đầu thai sang kiếp khác”. Thầy cúng “nói chuyện” xong với hai con vật. Một người thanh niên khỏe mạnh cầm một khúc gỗ to đập thẳng vào giữa đầu hai con vật, theo trình tự đập heo trước, đập bò sau, đập cho đến khi hai con vật chết mới thôi (vì dùng gậy đập cho nên lễ này còn gọi là lễ đập bò-N.V).
Tiếp đến, thầy cúng lấy một con dao có mũi nhọn đâm vào bên hông hai con vật, khi máu chảy ra lấy lá cây nhét vào lỗ đã đâm, mục đích không để máu chảy ra ngoài nhiều. Đám thợ nhanh chóng khiêng hai con vật lên bếp lửa để thui.
Thầy cúng bắt đầu cúng, đầu tiên là cúng cho Yang và Pơtao Apui. Thầy ngồi chậm rãi rót rượu ra cái chén rồi khấn, đại ý là: “Hỡi Yang, hỡi Pơtao Apui, hôm nay nhà Nay Kông làm lễ Lih cúng sức khỏe cho Nay Kỳ Hiệp mời Yang về ăn con gà, uống rượu. Các thần hãy chứng kiến, nếu có sai trái hãy bỏ qua đừng bắt tội, không được cãi cọ…”. Khấn xong thầy cúng ngồi nói chuyện, ăn thịt gà và uống rượu với các thần. Tiếp theo là phần cúng chính của lễ Lih, thầy cúng bê một chén heo gồm có phần thịt đầu thái nhỏ, gan, tim… đặt ở ghè bên cạnh, cho gọi ông Nay Kỳ Hiệp đến ngồi bên cạnh chân đặt lên cái lưỡi rìu có một sợi bông gòn.
Theo quan niệm của người Jrai, cái rìu là biểu tượng cho sức mạnh của người đàn ông. Sợi bông làm cho tâm hồn con người được nhẹ nhàng, thanh thoát. Chủ nhà đến ngồi bên cạnh thầy cúng và người được cúng tạ ơn. Thầy cúng sẽ rót rượu cần từ chiếc ghè lớn nhất lên chân ông Nay Kỳ Hiệp và khấn: “Hỡi Yang, hỡi Pơtao Apui hãy xua đuổi tà ma và ban sức khỏe cho Nay Kỳ Hiệp, cho sống lâu, sống khỏe….”. Lời khấn đã xong, thầy cúng đeo một vòng bằng đồng vào tay Nay Kỳ Hiệp.
Ông Nay Kông rót nước vào ghè mời thầy cúng và Nay Kỳ Hiệp uống hết một căng rượu, rồi ông Hiệp lại rót lại mời ông Kông uống một căng để cám ơn đã làm lễ cúng cho mình. Nghi lễ kết thúc, mọi người cùng uống rượu, ăn thịt heo, bò và nói chuyện vui vẻ. Chúng tôi cùng hòa chung với mọi người trong những căng rượu.
Theo Dulichvn

Ẩm thực ngày lễ tết của người Tây Nguyên


Ẩm thực truyền thống mùa lễ tết của người Tây Nguyên đã trở thành đặc sản có sức hấp dẫn, thu hút và mời gọi du khách cùng các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc mỗi dịp xuân về tết đến.
Không như người Kinh ăn tết cổ truyền vào tháng giêng âm lịch, các dân tộc ở Tây Nguyên thường ăn tết vào thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa và mùa khô, đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo trong năm và cũng là thời điểm tốt nhất để tổ chức các lễ hội tạ ơn các thần linh đã giúp đỡ cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa gieo hạt mới được mưa thuận gió hòa, lúa bắp đầy nương.
Cơm lam, thịt nướng trong mùa lễ hội
Cơm lam, thịt nướng trong mùa lễ hội
Hàng năm, vào khoảng tháng ba hoặc tháng tư dương lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, lúa đã đổ đầy gùi, các công việc đồng áng được gác lại thì người Tây Nguyên bắt đầu vào mùa nghỉ ngơi và chuẩn bị ăn tết riêng của mình.
Không như người Kinh ăn tết cổ truyền vào tháng giêng âm lịch, các dân tộc ở Tây Nguyên thường ăn tết vào thời điểm giao thoa giữa hai mùa mưa và mùa khô, đây là thời điểm chuẩn bị cho vụ mùa tiếp theo trong năm và cũng là thời điểm tốt nhất để tổ chức các lễ hội tạ ơn các thần linh đã giúp đỡ cho mùa màng bội thu và cầu cho vụ mùa gieo hạt mới được mưa thuận gió hòa, lúa bắp đầy nương.
Để chuẩn bị vật phẩm cúng tế thần linh trong những ngày lễ tết, ngay trong mùa vụ, đồng bào thường chọn ra những khoảng ruộng riêng để gieo cấy lúa gạo và nuôi nhốt riêng một số gia súc, gia cầm làm thực phẩm dành riêng cho những ngày này.
Theo quan niệm của người Tây Nguyên, những vật phẩm dùng để tế lễ phải là thực phẩm được nuôi trồng và chăm sóc cẩn thận, đồng thời là những thực phẩm ngon nhất, đẹp nhất và sạch sẽ nhất. Có như vậy khi lễ vật đựơc dâng lên thì thần linh mới chứng giám và ban cho họ một cuộc sống yên ổn, sức khỏe dồi dào, làng buôn no ấm. Vì vậy, ẩm thực luôn là mối quan tâm hàng đầu và có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào các dân tộc ở Tây nguyên trong mùa lễ tết.
Thịt gà nướng
Thịt gà nướng
Có thể thấy nhiều món ăn truyền thống vô cùng phong phú và đa dạng được thực hiện trong dịp này. Tuy nhiên, đối với đồng bào Tây nguyên, thức ăn phổ biến vẫn là cơm thịt và rau được chế biến theo nhiều cách khác nhau, tùy từng phong tục, tập quán và khẩu vị của mỗi dân tộc.
Cơm lam được sử dụng phổ biến và được coi là món ăn truyền thống thay thế các loại bánh trong ngày lễ tết, và được ví như bánh chưng, bánh tét của người Kinh. Là một loại cơm được nấu trong ống nứa nên gạo được chọn để nấu cơm lam thường là gạo nếp. Cơm lam được nấu theo cách thức gạo vo sạch, ngâm trong nước một đêm rồi đổ vào trong những ống nứa dài. Ống nứa đựng gạo là những ống có độ tuổi vừa phải, lòng ống mềm, bên trong chứa nhiều nước ngọt để khi nướng lên, gạo sẽ được hấp hơi nước trong ống mà chín.
Nấu cơm lam cũng là một công đoạn đòi hỏi có kỹ thuật. Để cơm không cháy và chín đều, khi nướng lửa than phải thật hồng, ống cơm luôn được trở đều tay cho đến khi vỏ nứa khô, sem sém, mở đầu ống nứa, thoảng mùi thơm của nếp thì cơm đã chín. Ống cơm khi đã thành phẩm chỉ cần dùng tay bật nhẹ, thân ống sẽ tách rời ra, hé lộ bên trong lớp màng trắng mỏng của vỏ nứa, bọc quanh những hạt gạo dẻo, thơm, nóng hổi, dậy mùi thơm, đậm vị ngọt của hương rừng.
Rượu cần và các món ăn
Rượu cần và các món ăn
Đi cùng với cơm lam là thịt nướng. Có hai loại thịt phổ biến mà đồng bào Tây nguyên thường dùng để nướng là thịt gà và thịt heo. Thịt gà khi nướng thường được mổ banh rồi nướng trực tiếp trên bếp than. Thịt heo thái bản, luồn thành những xâu dài bởi những cây xiên bằng tre nhọn đầu gọi là thịt nướng xâu. Thịt có thể được thái nhỏ gói trong lá chuối rồi vùi vào tro nóng hoặc cho vào ống nứa với muối, ớt rồi nướng như cơm lam gọi là thịt nướng ống. Thịt nướng ống hay thịt gói lá chuối đều được thực hiện trực tiếp trên lửa, tuy nhiên so với thịt nướng xâu, cách chế biến này thường giữ được vị đậm đà, thịt ngọt, mềm và không bị khô, xát.
Bên cạnh các món nướng, các loại thức ăn được làm từ rau, bột hoặc thịt sống bóp gỏi cũng là một nét ẩm thực rất đặc trưng. Bột gạo giã chung với các loại rau, quấy thành món canh đặc, đựng trong lá chuối hay lá rừng là một trong những món ăn phổ biến không thể thiếu trong ngày lễ tết của người Tây Nguyên.
Ngoài ra, món thịt bóp sống cũng thường được làm để dâng cúng thần linh trong dịp hội lễ. Đây là món được làm từ thịt của những loại gia súc giết mổ để hiến tế. Thịt sống được bóp với phèo non còn nóng của heo, bò, dê mới được giết mổ, tạo thành một món ăn chín tái rất hợp khẩu vị của nam giới. Ngoài các món trên, đồng bào còn có các món đưa men khác dùng để khoản đãi những người đến dự lễ được làm từ phủ tạng của các loài vật trên như món lá sách cuộn gan bò hay tiết canh dê, bò, heo trộn lòng, gan, bao tử… Tuy nhiên các món này chỉ dành cho nam giới hoặc thanh niên uống rượu, trẻ con ít được ăn.
Đi kèm với các món ăn trong mùa lễ tết không thể thiếu rượu cần. Rượu Cần được làm từ chính những nguyên liệu có sẵn của núi rừng như gạo, nếp, ngô, kê, sắn… trộn với lá cây rừng ủ thành men. Để ghè rượu cần được ngon, đậm đà hương vị, ngoài các nguyên liệu trên, rượu còn được ủ thêm ớt, mía, gừng hoặc riềng để tăng thêm vị ngọt và cay cho rượu. Rượu ngon là rượu được ủ với gạo nếp, khi chín có màu vàng ươm, cay nồng và đặc sánh.
Thông thường những ghè rượu Cần ngon nhất là vật phẩm để dâng cúng thần linh và được dành riêng để tiếp đãi khách quý. Trong lễ tết, những ché rượu Cần được sắp thành những hàng dọc dài hoặc xen kẻ với những gói lá đựng thức ăn để mọi người có thể ngồi đối mặt với nhau, vừa ăn, vừa uống rượu và trò chuyện.
Rượu Cần là thức uống ngon, dân dã và là loại thức uống truyền thống duy nhất mà đồng bào Tây Nguyên sử dụng trong mùa lễ tết của mình. Cách thức ăn và uống rượu Cần thể hiện tính cộng đồng cao của đồng bào Tây Nguyên trong các mùa hội lễ, đồng thời thể hiện mối quan hệ tình cảm gắn bó giữa con người với thiên nhiên, giữa đất trời và cỏ cây hoa lá.
Ngày nay ẩm thực truyền thống mùa lễ tết của người Tây Nguyên đã trở thành đặc sản có sức hấp dẫn, thu hút và mời gọi du khách đến với Cao Nguyên, vùng đất hoang sơ, kỳ vĩ cùng các lễ hội truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc mỗi dịp xuân về tết đến.
Theo Báo Dân Việt